Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Chẩn đoán xác định bệnh lao kháng thuốc

Các nhà khoa học khuyến cáo các đối tượng cần được làm xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF (Mycobacterium tuberculosis/Rifampicin) để chẩn đoán xác định bệnh lao kháng thuốc bao gồm: bệnh nhân lao chữa trị thất bại với phác đồ điều trị lao không kháng thuốc Rifampicin kể cả lao nhạy cảm, lao kháng đơn thuốc và đa thuốc. Người nghi mắc lao mới hoặc người bệnh mắc lao mới có tiếp xúc với người bệnh lao đa kháng thuốc. Người mắc bệnh lao không có kết quả âm hóa bệnh phẩm đờm sau 2 hoặc 3 tháng điều trị bằng phác đồ thuốc chống lao không kháng Rifampicin. Bệnh nhân lao tái phát với phác đồ điều trị lao không kháng thuốc Rifampicin, lao kháng thuốc Rifampicin. Bệnh nhân lao điều trị lại sau bỏ điều trị kể cả lao không kháng thuốc Rifampicin và lao kháng thuốc Rifampicin. Người bệnh lao mắc mới có kết quả nhiễm HIV (human immunodeficiency virus) dương tính. Các trường hợp khác như người nghi mắc lao hoặc người bệnh lao có tiển sử dùng thuốc chống lao trên 1 tháng kể cả người nghi mắc lao tái phát, người nghi mắc lao sau bỏ điều trị, người nghi mắc lao hoặc người bệnh lao có tiền sử điều trị lao ở y tế tư nhân nhưng không rõ kết quả điều trị. Người bệnh lao phổi mắc mới qua sàng lọc trong số trường hợp có kết quả xét nghiệm AFB (Acid-fast bacillus) dương tính hoặc mở rộng tới trường hợp kết quả xét nghiệm AFB âm tính tùy theo chủ trương và nguồn lực của Chương trình Chống lao Quốc gia tại mỗi giai đoạn.

Gene Xpert MTB/RIF là một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử mang tính đột phá cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Quy trình thao tác của kỹ thuật này đơn giản, cho kết quả nhanh và cho kết quả kép, đồng thời cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn và vi khuẩn có kháng thuốc Rifamycin hay không. Kỹ thuật xét nghiệm này cho kết quả trực tiếp với bệnh phẩm đờm soi AFB dương tính có độ nhạy lên tới 98%, 72% ở những bệnh phẩm đờm soi AFB âm tính và độ đặc hiệu là 99,2%. Thời gian thực hiện xét nghiệm chỉ khoảng 100 phút. Việc đưa hệ thống chẩn đoán lao nhanh vào hoạt động sẽ giúp chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh nhân nhiễm lao và lao kháng thuốc nhằm điều trị kịp thời và hạn chế lây nhiễm lao ra cộng đồng đã được Tổ chức Y tế thế giới - WHO chứng thực và khuyến cáo áp dụng kỹ thuật trong công tác phòng chống lao. Gene Xpert MTB/RIF nên được áp dụng làm xét nghiệm chẩn đoán ban đầu cho những trường hợp nghi mắc lao kháng nhiều thuốc hoặc lao đồng nhiễm HIV. Tại những nơi tình hình dịch tễ lao đa kháng thuốc hoặc HIV không cao, áp dụng cho trường hợp xét nghiệm đờm trực tiếp âm tính để tăng phát hiện lao phổi AFB dương tính.

Chẩn đoán xác định bệnh lao kháng thuốc

Biểu hiện

Về lâm sàng, bệnh lao kháng thuốc được ghi nhận ở những người bệnh khi đang điều trị lao nhưng các triệu chứng sốt, ho, khạc đờm không thuyên giảm hoặc có thuyên giảm một thời gian rồi xuất hiện trở lại với các triệu chứng tăng lên, bệnh nhân tiếp tục giảm trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh lao kháng thuốc có thể được chẩn đoán ở người chưa bao giờ bị mắc bệnh lao và triệu chứng lâm sàng của bệnh lao đa kháng thuốc có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường.

Về cận lâm sàng, bệnh lao kháng thuốc biểu hiện qua xét nghiệm AFB, nuôi cấy vi khuẩn có kết quả dương tính liên tục hoặc kết quả âm tính một thời gian rồi sau đó dương tính trở lại hay kết quả âm tính, dương tính xen kẽ ở người bệnh đang điều trị thuốc chống lao. Khi xét nghiệm kháng sinh đồ thường cho kết quả kháng với các loại thuốc chống lao đang sử dụng. Các kỹ thuật sinh học phân tử có thể chẩn đoán nhanh lao đa kháng thuốc, tiền kháng thuốc hoặc siêu kháng thuốc và dùng để phân biệt với trực khuẩn lao không điển hình. Có thể hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang phổi không thay đổi hoặc xuất hiện thêm tổn thương mới trong quá trình điều trị đúng phác đồ có kiểm soát; trường hợp lao kháng thuốc cũng có thể phát hiện ở người chưa bao giờ mắc bệnh lao, hình ảnh tổn thương trên phim chụp X-quang có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường.

Chẩn đoán xác định

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ hoặc các xét nghiệm chẩn đoán nhanh đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng thực như Hain test, Gene Xpert MTB/RIF... thì tiêu chuẩn chẩn đoán các thể bệnh lao kháng thuốc được xác định cụ thể gồm: kháng một thuốc hay đơn kháng thuốc là trường hợp chỉ kháng duy nhất với một loại thuốc chống lao hàng một khác Rifampicin. Kháng nhiều thuốc là kháng với từ hai loại thuốc chống lao hàng một trở lên mà không kháng với Rifampicin. Lao kháng thuốc Rifampicin là kháng với thuốc Rifampicin có hoặc không kháng thêm với các loại thuốc chống lao khác kèm theo, có thể là kháng đơn thuốc, kháng nhiều thuốc, đa kháng thuốc hay siêu kháng thuốc. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta hiện nay, các chủng vi khuẩn lao đã kháng với thuốc Rifampicin chiếm tỉ lệ tới trên 90% có kèm theo kháng thuốc Isoniazid; vì vậy khi phát hiện trường hợp kháng Rifampicin thì người bệnh được xem như là trường hợp đa kháng thuốc và thường được tiếp nhận điều trị theo phác đồ đa kháng thuốc. Đa kháng thuốc MDR-TB (multi drug-resistant tuberculosis) là kháng đồng thời với ít nhất hai loại thuốc chống lao là Isoniazid và Rifampicin. Tiền siêu kháng thuốc là trường hợp lao đa kháng thuốc có kháng thêm với bất cứ một loại thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone hoặc với ít nhất một trong ba loại thuốc tiêm hàng hai như Capreomycin, Kanamycin, Amikacin chứ không đồng thời cả hai loại thêm. Siêu kháng thuốc XDR-TB (extensively drug-resistant tuberculosis) là trường hợp lao đa kháng thuốc có kháng thêm với bất cứ loại thuốc nào thuộc nhóm Fluoroquinolone và bất cứ thuốc nào trong ba loại thuốc tiêm hàng hai như Capreomycin, Kanamycin, Amikacin.

Lời khuyên của thầy thuốcNhư trên đã nêu, tình trạng lao kháng thuốc, đặc biệt lao đa kháng thuốc hiện nay tại nước ta cũng như một số nước khác trên thế giới là vấn đề khó khăn về chuyên môn kỹ thuật đã làm hạn chế kết quả điều trị bệnh. Vì vậy, việc chẩn đoán xác định lao kháng thuốc bằng các phương tiện, thiết bị hiện đại cần được triển khai thực hiện phổ cập tại các cơ sở y tế để giúp công tác phát hiện bệnh kịp thời, không bị bỏ sót; theo đó hỗ trợ và định hướng biện pháp xử trí điều trị với phác đồ phù hợp nhằm mang lại hiệu quả tốt.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Đi bộ và thoái hóa khớp gối

Băn khoăn này rất thường gặp vì đa phần các bác lớn tuổi hay có vấn đề về đái tháo đường và cao huyết áp. Mặt khác, đi bộ có vẻ là môn thể thao phù hợp với nhiều người, đơn giản, dễ thực hiện. Để hiểu rõ vấn đề hơn, chúng tôi xin trình bày với độc giả về sự dinh dưỡng của sụn khớp và tình trạng thoái hóa khớp.

Vận động giúp sụn khớp thấm hút dịch khớp

Sụn khớp nói chung hay khớp gối nói riêng là một trong số rất ít các mô không được dinh dưỡng bởi máu của cơ thể. Tế bào sụn khớp được nuôi dưỡng bằng chính dịch khớp được tiết ra từ màng bao khớp. Khi chúng ta vận động, dịch khớp được lớp sụn hút vào hay đẩy ra khỏi chất sụn. Dịch khớp bao gồm proteoglycan, aggrecan và chứa các tế bào sụn. Dịch khớp chứa chất dinh dưỡng để nuôi sụn khớp đồng thời có tác dụng bôi trơn. Dịch khớp không bao giờ bị khô như nhiều người lầm tưởng. Đôi khi dịch khớp được tiết nhiều hơn bình thường gây ra tràn dịch khớp gối như chúng ta hay thấy trong các trường hợp thoái hóa khớp nặng.

Sự vận động khớp làm cho dịch khớp luân chuyển và đem chất dinh dưỡng nuôi tế bào sụn khớp. Nếu khớp không được vận động thì dịch khớp sẽ không được luân chuyển và tế bào sụn sẽ không có chất dinh dưỡng đến nuôi. Khi khớp không vận động, lớp sụn sẽ bị chết nhanh hơn. Có một nghiên cứu được tiến hành trên chó. Người ta cùm hai chân sau con chó không cho gối vận động. Chó vẫn được cho ăn đầy đủ chất. Sau 3 tháng mở cùm, mổ khớp gối hai chân bị cùm người ta thấy các lớp sụn khớp bị bong ra.

Đi bộ và thoái hóa khớp gối

Tuy nhiên sự vận động quá mức của khớp làm tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp và khiến nó chết nhanh hơn. Một nghiên cứu khác được thực hiện như sau: người ta tiến hành đo áp suất tác động lên các tế bào sụn khớp gối của các vận động viên chạy đua ma-ra-tông sau khi thực hiện cuộc chạy. Kết quả là có sự tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp gối. Người ta nghĩ rằng việc hoạt động quá mức sẽ làm tăng áp suất trong tế bào sụn và làm mau thoái hóa khớp hơn. Chúng ta vẫn thấy hình ảnh thoái hóa khớp gối của phần lớn các cầu thủ đá bóng sau khi giải nghệ.

Câu hỏi đặt ra là nên đi bộ trong bao lâu để đạt được việc đốt cháy năng lượng, giảm thiểu mỡ trong cơ thể mà không làm hư khớp gối?

Sự vận động quá mức của khớp làm tăng áp lực lên các tế bào sụn khớp và khiến nó chết nhanh hơn

Câu hỏi này đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng vì lẽ đơn giản cấu tạo cơ thể mỗi người mỗi khác. Hơn nữa thoái hóa khớp còn liên quan đến cấu tạo cơ thể hay nói cách khác liên quan đến bộ gen của con người. Muốn đốt lượng mỡ thừa, cơ thể cần hoạt động để đốt hết lượng đường dự trữ có trong cơ thể trước, sau đó cơ thể mới chuyển sang dùng mỡ để tạo năng lượng.

Thời gian luyện tập khoảng 30 - 60 phút để có thể đốt cháy lượng mỡ và sinh ra năng lượng. Đi bộ nhiều dĩ nhiên là làm cho lớp sụn mau bị hư. Dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy sụn bị quá tải là tình trạng đau và mỏi gối khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi. Việc ấn định một khoảng cách cho giới hạn đi bộ là điều khó có thể áp dụng cho tất cả mọi người vì nó còn liên quan đến nhiều yếu tố như đi nhanh hay chậm, người đi bộ nặng hay nhẹ cân, tình trạng sụn khớp trước khi đi bộ hư nhiều ít hay còn tốt, mặt sân đi bộ như thế nào (đi trên cát, đi trên sân xi măng hay vỉa hè, đi trên sân tổng hợp sẽ khác nhau vì phản lực dội lên gối sẽ không như nhau khi đi bộ), các cơ vùng gối và háng ra sao...

Vậy làm sao biết đi bộ như thế nào là vừa phải? Hãy lắng nghe cơ thể của bạn. Khi bạn đi mà cảm thấy gối không còn nhẹ nhàng, không còn thấy thoải mái, đôi khi bạn cảm thấy mỏi và đau gối có nghĩa là đầu gối của bạn đã bị quá tải và cần được nghỉ ngơi.

Nếu giả sử gối đã bị thoái hóa, đi bộ như thế nào? Khi đó bạn vẫn có thể đi bộ dưới nước, đi bộ chậm trên vùng đất cỏ vì phản lực dội lên khớp gối sẽ giảm đi và tránh được thoái hóa khớp gối.

Dấu hiệu quan trọng nhất cho thấy sụn bị quá tải là tình trạng đau và mỏi gối khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi

Đi bộ có thể tác động xấu cho khớp gối của bạn?

Đi bộ được coi là một hoạt động thể dục thể thao an toàn và ít ảnh hưởng đến sức khỏe người tập, mang lại nhiều lợi ích. Tuy thế, nếu bạn là một trong số nhiều người thấy bị đau gối, bạn có thể đổi phương pháp tập khác thay cho đi bộ hoặc đôi khi phải nghỉ tập một thời gian cho khỏi chấn thương. Nếu tình trạng không nghiêm trọng, có vài điều mà bạn có thể làm để duy trì được chương trình đi bộ. Thay đổi giày dép hay tất chân, làm mạnh các cơ quanh đầu gối và làm tăng tính mềm dẻo linh hoạt có thể giúp bạn bỏ được sức ép và giảm đau ở khớp.

Đi bộ có thể giúp ích cho viêm xương - khớp đầu gối

Trên một công trình năm 2012 đăng ở tạp chí Hồi phục Lâm sàng cho thấy người bị viêm xương - khớp đầu gối thấy có những cải thiện đáng kể về chức năng khớp gối sau chương trình tập đi bộ 4 tuần lễ. Và trong một bài năm 2009 đăng trên tạp chí Bác sĩ Gia đình Canada, BS Neil Bosomworth cho biết là chấn thương tránh được càng lâu càng chứng tỏ bài tập đã không gây ra hoặc đẩy nhanh sự tiến triển của một viêm xương-khớp đang có, và nó thực sự đã làm giảm đau và làm tăng hoạt động của khớp. Nhà sinh lý luyện tập lâm sàng Beth Shepard cũng xếp đi bộ nhanh vào số các bài tập ít va chạm và có thể có ích cho người bị viêm xương-khớp.

Các chấn thương đầu gối nghiêm trọng lại là chuyện khác

Nếu bạn bị đau đầu gối do tổn thương của đĩa sụn (nằm giữa các xương của đầu gối) hoặc của một trong số các dây chằng (tức các dải mô liên kết nơi các cơ cẳng chân bám vào khớp gối), khi đó đi bộ thường không được khuyến cáo cho đến khi tổn thương đã được tái tạo và hồi phục. Trong các bong gân, đứt một phần các dây chằng và các vết rách nhỏ hoặc các tổn hại của đĩa sụn nói chung có thể khỏi không cần đến phẫu thuật, chương trình nghỉ ngơi và hồi phục tăng dần cần được theo dõi trước khi có thể bắt đầu đi bộ bình thường trở lại. Trong các rách lớn của đĩa sụn hoặc các đứt hoàn toàn của dây chằng, phẫu thuật hầu như bao giờ cũng là cần thiết.

Tuân thủ các hướng dẫn dưới đây để đi bộ được an toàn hơn

Nếu tình trạng đầu gối của bạn không nghiêm trọng, một giải pháp có thể đơn giản là thay đổi giày. Giày để đi phải có miếng lót tốt và giảm nhẹ sốc, bởi vậy khi giày của bạn đã cũ và đã mất miếng lót, bạn cần phải thay đôi khác. Nếu bạn có vòm gan chân thấp hay có xu thế quay sấp nhiều (tức xoay bàn chân vào phía trong khi bạn đi lại), một đôi giày làm tăng nâng đỡ gan chân với các đồ chỉnh hình có thể giúp giảm nhẹ độ nhấn lên đầu gối. Luôn bắt đầu bằng đi chậm, khởi động tăng dần, và cố gắng đi vào ban ngày khi mà bạn không cảm thấy đau chút nào ở đầu gối. Bắt đầu đi các đoạn ngắn và đặt thời gian cùng đoạn đường mà bạn có thể hơn là bắt đầu ngay lập tức bằng 30 phút đi bộ.

Đi bộ và thoái hóa khớp gốiBài tập làm “cầu mông” có thể giúp cho các đầu gối của bạn ở trong tình trạng đi bộ tốt.

Bổ sung các bài tập khác khi bạn đi bộ hàng ngày

Thực hiện các bài tập sức bền an toàn cho hai cẳng chân có thể giúp cho các đầu gối của bạn ở trong tình trạng đi bộ tốt. Các bài tập về cân nặng cơ thể như ngồi xổm, nâng cao bắp chân và nâng cao mông (làm “cầu mông” - glute bridges) là những lựa chọn tốt.

Tập nâng cao mông: gập các gối và hai bàn chân để bẹt trên sàn tập gần sát mông; nép tay hai bên mình; hai bàn tay để sấp; nâng các háng lên khỏi sàn cho đến khi các đầu gối, háng và vai nằm trên một đường thẳng.

Còn tập duỗi thẳng chân và xoắn cuộn cơ gân kheo tiến hành trên máy tập cân nặng là phải tránh vì có nguy cơ làm căng khớp gối thái quá. Các bài tập mềm dẻo linh hoạt cho các cơ cẳng chân có thể giúp duy trì phạm vi vận động và giảm bớt sức căng của mô liên kết quanh khớp gối. Luôn khởi động trước khi căng giãn hoặc thực hiện các bài tập về phạm vi vận động, và không làm quá mức. Chỉ kéo căng ở mức độ nhẹ, không đau.

Tập cuộn tròn cơ gân kheo. Có 3 phương pháp tập: (1) Tự mình tập không máy; (2) Tập với máy; và (3) Tập với quả bóng y tế.

TS.BS. TĂNG HÀ NAM ANH

Vì sao bị bệnh huyết áp thấp?

Trần Thị Mến(Bắc Giang)

Ở người khỏe mạnh bình thường, chỉ số huyết áp trung bình là 120/80mmHg. Gọi là bệnh huyết áp thấp khi số đo huyết áp tối đa thấp hơn 100mmHg, thường gặp là 90/60mmHg. Huyết áp thấp hay gặp ở người gầy yếu. Tuy nhiên, mọi người đều có thể bị chứng bệnh huyết áp thấp. Theo thói quen, hầu như chúng ta chỉ để ý đến bệnh tăng huyết áp mà không quan tâm đến bệnh huyết áp thấp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh huyết áp thấp, đó là: bệnh suy tuyến yên, bệnh tuyến giáp trạng, suy tuyến thượng thận, do dùng thuốc điều trị các bệnh khác... và bệnh huyết áp thấp mạn tính không rõ nguyên nhân. Biểu hiện chủ yếu của chứng bệnh huyết áp thấp: hay bị mệt mỏi, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, nhất là khi thay đổi tư thế như đang nằm mà ngồi dậy hoặc đứng lên đi lại sẽ hay bị choáng.

Cách phòng và chữa bệnh: Cần phải ăn đầy đủ các bữa, nhất là bữa sáng, tốt nhất là ăn 3-4 bữa/ngày. Đảm bảo ngủ đủ giấc, đối với người lớn cần ngủ đủ 7-8 tiếng/ngày và nên ngủ trưa từ 30 phút đến 1 tiếng. Thường xuyên luyện tập thể dục phù hợp với sức khỏe. Không nên nhịn đói, không để quá bữa mới ăn, không nên lao động quá sức. Uống nước đầy đủ. Điều trị triệt để các bệnh là nguyên nhân gây bệnh huyết áp thấp kể trên.

BS. Nguyễn Hiền

9 lời khuyên tránh táo bón

Táo bón đang là mối bận tâm của nhiều người hiện nay, một phần do chế độ ăn không phù hợp, ít chất xơ, một phần do cuộc sống ít vận động. Táo bón khiến cơ thể luôn mệt mỏi, đầy bụng, nặng hơn gây các biến chứng hệ tiêu hóa. May mắn thay có những cách đơn giản, hiệu quả giúp dự phòng táo bón.

Tăng lượng chất xơ

Chế độ ăn giàu chất xơ giúp tiêu hóa tốt và tăng nhu động ruột. Ngoài ra giúp dự phòng một số bệnh khác như hội chứng ruột kích thích, bệnh trĩ…Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, hạt lanh, rau xanh, táo, lê, cam, quýt, trái cây sấy khô, cây họ đậu…

Hạn chế thực phẩm giàu chất béo

Việc tiêu thụ những thực phẩm giàu chất béo không chỉ ảnh hưởng đến các bệnh chuyển hóa mà còn gây táo bón, đặc biệt là những thực phẩm như xúc xích, bánh pizza, bánh mì kẹp thịt…

Tiêu thụ thịt nạc

Thịt là nguồn cung cấp protein chất lượng cao, tuy nhiên lượng chất béo có trong thịt gây khó tiêu, vậy nên hãy dùng thịt nạc như thịt gà, thịt lợn thăn…

Nên ăn đúng giờ

Để tránh các vấn đề về tiêu hóa, nên ăn đúng giờ, đặc biệt các bữa ăn chính như bữa trưa, bữa tối.

Uống nhiều nước

Uống nhiều nước là thói quen tốt dự phòng táo bón và đầy bụng. Uống nhiều nước cùng với khẩu phần ăn có nhiều chất xơ giúp ruột lưu thông tốt, phân mềm và dễ bài tiết ra ngoài.

Tập thể dục thường xuyên

Những bài tập thể dục giúp cơ thể khỏe mạnh, dự phòng táo bón, vì thế nhu động ruột hoạt động được tốt và phân được đào thải dễ dàng.

Tiêu thụ nhiều probiotic

Probiotic giúp cơ thể dự phòng táo bón, ngoài ra giúp điều hòa chủng vi khuẩn ruột, hoạt động hệ tiêu hóa được tốt và tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, dự phòng nhiễm trùng dạ dày ruột.

Dùng thuốc xổ tự nhiên

Thuốc xổ tự nhiên có đặc tính trợ giúp tiêu hóa, dự phòng táo bón mãn tính. Đó là gel lô hội, nước ép đu đủ, nước ép dứa, nước chanh nóng, kiwi, nước hạt lanh… Đặc biệt chuối là trái cây chứa nhiều chất xơ giúp nhu động ruột hoạt động được tốt và là thuốc xổ tự nhiên có hiệu quả.

Đi toilette khi có nhu cầu

Nên có thói quen đi toilette mỗi khi có nhu cầu, không nên nhịn tiểu lâu vì ảnh hưởng đến đường tiêu hóa và có thể gây táo bón, ngoài ra còn tránh viêm đại tràng.

Bs Ái Thủy

(Theo Amelioretasante)

Nguyên nhân gây đau nửa đầu

Hồng Loan(Hà Tĩnh)

Đau đầu là một trạng thái bệnh lý phổ biến, khoảng 50% bệnh nhân đến khám có bệnh này. Trường hợp đau nửa đầu của bạn còn gọi đau đầu Migraine. Nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ. Có 2 dạng lớn của loại này là:

Đau nửa đầu không có triệu chứng báo trước: Thường xuất hiện vào buổi sáng khi mới ngủ dậy, có khi là ban đêm và ít xảy ra vào ban ngày. Cơn đau thường khởi phát từ từ và đạt tới đỉnh cao sau vài giờ. Lúc đầu chỉ đau nửa đầu (thường ở vùng thái dương rồi lan dần ra cả đầu, đau chủ yếu ở phần sọ). Loại đau này có đặc điểm là đau theo nhịp đập của mạch và nặng lên khi hoạt động kèm theo buồn nôn, cơn đau thường kéo dài từ vài giờ đến vài ngày và để lại cảm giác ê ẩm trong đầu sau đó.

Dạng đau nửa đầu có triệu chứng báo trước: Thường  khởi đầu bằng những triệu chứng thần kinh khu trú ở vỏ não hoặc thùy não rồi phát triển dần dần trong 5 - 20 phút, kéo dài ít hơn 60 phút. Tiếp theo đó là đau đầu buồn nôn và sợ ánh sáng. Có thể rối loạn thị lực cùng bên với phía đau đầu có cảm giác dị cảm như kiến đốt, kim châm, yếu nửa người hay nói khó hoặc mất ngôn ngữ. Các triệu chứng kéo dài 60 phút và sẽ phục hồi hoàn toàn. Đây là điểm khác biệt lớn nhất để phân biệt với những chứng đau đầu khác. Tuy nhiên, triệu chứng có thể khác nhau giữa những người này và người khác, giữa đợt này với đợt khác. Theo thư bạn kể thì chưa thể xác định được bệnh gì. Vì vậy, bạn cần đến chuyên khoa nội thần kinh để được khám và tư vấn cụ thể.

BS. Nguyễn Văn Bình

Cảnh giác đột quỵ não khi giao mùa

Ai cũng biết rằng đột quị não, hay còn được gọi một cách nôm na là tai biến mạch máu não, có căn nguyên do tổn thương xơ vữa mạch não hoặc do tăng huyết áp. Nhưng còn một nguyên nhân cũng rất hay gặp trên thực tế lâm sàng gây đột quị não, đó là nguyên nhân do... tim mà đặc biệt khi giao mùa thời tiết lạnh đột ngột.

Bệnh tim và đột quị não

Bệnh lý của tim có thể gây đột quị não khi những loại bệnh tim này là nguyên nhân của việc xuất hiện những cục máu đông (huyết khối) trong buồng tim (nhất là tâm nhĩ trái hoặc tâm thất trái). Một khi cục máu đông đã được hình thành trong buồng tim, nguy cơ nó có thể bong ra, xuống tâm thất trái, vào vòng đại tuần hoàn gây tắc mạch là rất lớn. Cục máu đông trôi theo hệ thống động mạch (ĐM) lên não (hệ mạch cảnh và sống - nền) sau đó sẽ bị kẹt ở một nhánh ĐM nào đó và gây nên triệu chứng.

Các điều kiện làm cho huyết khối dễ hình thành trong tâm nhĩ bao gồm tần số đập của tâm nhĩ, kích thước tâm nhĩ, tình trạng máu tăng đông hoặc máu bị cô đặc do mất nước. Khi tâm nhĩ đập quá nhanh hay “rung” lên đơn thuần, máu sẽ luẩn quẩn ở tâm nhĩ mà không xuống tâm thất được nên dễ bị đông. Điều kiện thứ hai đó là kích thước của tâm nhĩ. Tâm nhĩ càng giãn to thì khả năng hình thành huyết khối trong đó càng lớn.

Rung nhĩ là một loại loạn nhịp gây ra bởi những xung động rất nhanh (khoảng 400 lần/phút) và rất không đều tác động lên tâm nhĩ làm cho nó gần như không kịp co bóp nữa mà chỉ “rung” lên không đều ở từng phần, từng sợi cơ. Trên lâm sàng, rung nhĩ chính là biểu hiện của chứng “loạn nhịp hoàn toàn”.

Một số bệnh tim có biểu hiện rung nhĩ như bệnh hẹp van hai lá, bệnh mạch vành, viêm màng ngoài tim, ngộ độc digitan, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, bệnh cơ tim phì đại và một số trường hợp không rõ nguyên nhân.

Biểu hiện của đột quị não do tim

Đột quị não do tim biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Khởi đầu bệnh nhân thấy đau đầu dữ dội, thất ngôn, liệt nửa người không đồng đều giữa tay và chân, hôn mê ở các mức độ khác nhau. Bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề nếu cục máu đông gây tắc mạch lớn ở não. Các trường hợp nhẹ hơn có thể chỉ biểu hiện bằng triệu chứng méo miệng, nói ngọng, nuốt sặc, liệt thần kinh vận nhãn. Cũng có thể cục máu đông, sau khi trôi lên não gây tắc mạch, tự tiêu đi theo cơ chế đông máu nên chỉ gây liệt trong thời gian ngắn và người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn. Chẩn đoán xác định đột quị não do tim dựa vào các triệu chứng lâm sàng của đột quị não ở người có bệnh tim đang bị loạn nhịp hoàn toàn hoặc loạn nhịp nhanh cộng với phim chụp cắt lớp, phim chụp cộng hưởng từ sọ não thấy có hình ảnh nhũn não (tắc mạch não) và siêu âm tim thấy có huyết khối tâm nhĩ trái, huyết khối van hai lá cơ học...

Dự phòng được không?

Dự phòng biến chứng tắc mạch não do rung nhĩ bao gồm hai vấn đề chủ yếu. Thứ nhất là kiểm soát tần số tim hoặc cố gắng đưa nhịp tim về nhịp xoang với các biện pháp như dùng thuốc (digitan, cordarone), sốc điện, đốt ổ loạn nhịp, phẫu thuật (thủ thuật Maze). Thứ hai là ngăn cản sự hình thành huyết khối bằng việc sử dụng các thuốc chống đông. Các thuốc chống đông hay được dùng là thuốc loại chống kết tập tiểu cầu (aspirin, aspegic), thuốc kháng vitamin K như sintrom. Việc uống thuốc dự phòng phải đều đặn, theo đúng chỉ định và phải được kiểm tra thường xuyên bởi các thầy thuốc chuyên khoa tim mạch. Điều trị dự phòng huyết khối phải được kết hợp với xử trí nguyên nhân gây rung nhĩ như nong tách hẹp van hai lá qua da hoặc mổ thay van, điều trị các bệnh mạch vành, đái tháo đường, viêm phổi. Bệnh nhân cũng nên duy trì một lối sống lành mạnh, đặc biệt tránh uống rượu và hút thuốc lá (những tác nhân dễ gây kích thích khởi phát cơn rung nhĩ), ăn nhạt, tập thể dục hoặc vận động phù hợp, tránh những xúc cảm hoặc stress, ăn uống đầy đủ...

Tóm lại, phải luôn cảnh giác với biến chứng tắc mạch gây đột quị não ở bệnh nhân có biểu hiện rung nhĩ (hay loạn nhịp hoàn toàn) do bất cứ nguyên nhân nào, từ đó có chiến lược dự phòng huyết khối để tránh các biến chứng nói trên có thể xảy ra.

TS. BS. Vũ Đức Định

Điều trị loãng xương: các khó khăn và thách thức

Loãng xương là một bệnh lý ảnh hưởng đến 1 trong 3 phụ nữ (33%) và 1 trong 5 (20%) nam giới trên 50 tuổi trên toàn thế giới. Hệ quả nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương là gãy xương. Gãy xương là một gánh nặng về kinh tế xã hội cho mọi quốc gia, đặc biệt là nước ta, vì người bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. Gần 25% bệnh nhân bị gãy xương đùi sẽ tử vong trong vòng 12 tháng sau biến cố gãy xương.

Vì vậy biến cố gãy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quy và nhồi máu cơ tim trong các bệnh lý tim mạch. Ngoài ra, sau gãy xương người bệnh còn phải chịu đau đớn kéo dài, giảm chất lượng sống, mất khả năng lao động và vận động, sống phụ thuộc và tàn phế, chi phí điều trị loãng xương vì thế càng ngày càng tăng cao, gây nên gánh nặng kinh tế lớn cho gia đình và xã hội.

Điều trị loãng xương

Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam đang là 1 trong 15 quốc gia hàng đầu thế giới về dân số. Tuy nhiên với mức sống và thu nhập không cao, kinh tế phát triển còn chậm, sự già hóa dân số lại diễn ra quá nhanh, chất lượng của tuổi thọ chưa cao…, các bệnh liên quan đến tuổi như Loãng xương đã trở thành thách thức lớn cho xã hội.

Gãy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quy và nhồi máu cơ tim trong các bệnh lý tim mạch

Tam giác dự phòng loãng xương

Loãng xương là bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, kết hợp với chế độ sinh hoạt, vận động hợp lý ngay từ khi còn trẻ và duy trì suốt cuộc đời.

Canxi là một khoáng chất quan trọng, thành phần chính cấu thành bộ xương và hàm răng của con người (99% canxi của cơ thể tập trung ở xương và răng), nhưng cơ thể không tự tổng hợp được mà bắt buộc phải được cung cấp từ chế độ ăn hàng ngày của mỗi người. Thiếu canxi là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu xương và loãng xương. Đặc biệt từ sau tuổi 30, mật độ xương bắt đầu giảm dần do quá trình hủy xương dần dần vượt trội hơn quá trình tạo xương, nếu cơ thể không được bổ sung lượng canxi thích hợp sẽ không bù đắp được khối lượng xương đã mất đi, dẫn đến quá trình loãng xương xảy ra sớm và trầm trọng hơn.

Nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể dao động từ 210mg đến 1.500mg, thay đổi theo lứa tuổi và phụ thuộc quá trình phát triển, chu kỳ sống của xương, sự hấp thụ canxi của mỗi người.

Điều trị loãng xương

Tuy nhiên, theo khuyến cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng canxi từ bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam trung bình là 500mg, ước tính chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu canxi ở người trưởng thành. Do đó, trước hết chúng ta cần tận dụng tối đa canxi trong các loại thực phẩm giầu canxi, nếu chưa đủ sẽ bổ sung thêm bằng thuốc:

- Tăng cường sử dụng sữa, các chế phẩm từ sữa, các thức ăn giàu canxi như tôm, cua, cá, các loại rau củ có màu xanh đậm (rau cải xanh, rau ngót, rau mồng tơi, rau đay, bông cải xanh, rau bó xôi, các loại rau mầm, trái ớt ngọt, cam tươi, đu đủ, dâu tây, kiwi…), thủy hải sản (cá, tôm, cua, ốc…). Một ly sữa tươi thông thường chứa khoảng 250mg canxi.

Luợng canxi từ bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam trung bình là 500mg, ước tính chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu canxi ở người trưởng thành

- Đặc biệt, trong những giai đoạn mà cơ thể đòi hỏi một lương canxi cao (phụ nữ mang thai và cho con bú, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh, người cao tuổi…) khi chế độ ăn hàng ngày không đáp ứng đủ, các viên canxi, ống canxi dược phẩm sẽ là một nguồn bổ sung quan trọng.

- Bên cạnh đó, để hấp thu canxi tối ưu, chúng ta cần chú trọng bổ sung vitamin D hàng ngày bằng việc phơi nắng trực tiếp 15 phút vài lần trong tuần, tốt nhất là vào buổi sáng sớm (6g30 - 7g30) sẽ là cách bổ sung vitamin D hiệu quả và kinh tế nhất bởi vì nguồn vitamin D dồi dào nhất là từ ánh sáng mặt trời.

Thuốc điều trị loãng xương

Loãng xương là một bệnh mạn tính, tiến triển và liên quan đến tuổi, một liệu trình điều trị loãng xương thường kéo dài 3 - 5 năm, thậm chí tới 10 năm để có được hiệu quả ngăn ngừa hay làm giảm nguy cơ gãy xương. Hiện nay các loại thuốc chủ yếu để điều trị loãng xương đã có mặt tại Việt Nam và đã được bảo hiểm y tế chi trả. Các thuốc này đều có bằng chứng về hiệu quả và an toàn trong điều trị các thể loại loãng xương chính như loãng xương sau mãn kinh, loãng xương người già, loãng xương nam giới, loãng xương do corticosteroid, loãng xương thứ phát… Để việc điều trị loãng xương hiệu quả người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc chế độ điều trị, bao gồm thuốc điều trị loãng xương, canxi, vitamin D (đủ theo nhu cầu hàng ngày) và tập vận động đều đặn.

Một số chế phẩm canxi và vitamin D cũng đang nằm trong danh sách chi trả của bảo hiểm y tế. Từ các thông tin về nhu cầu hàng ngày, nghiên cứu về tình trạng thiếu canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn hàng ngày, các kiến thức khoa học đến các lĩnh vực liên quan (tim mạch, chuyển hóa, thận mạn tính…), các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân và cộng đồng cách bổ sung canxi và vitamin D như thế nào để đảm bảo hiệu quả và an toàn.

Điều trị loãng xươngBên cạnh đó, cần chú trọng bổ sung vitamin D hàng ngày bằng việc phơi nắng

Vì chế độ ăn của người Việt chưa đáp ứng đủ nhu cầu canxi của cơ thể, chúng ta có thể bổ sung khoảng 600 - 1.000mg canxi dược phẩm mỗi ngày. Bên cạnh đó, ngoài việc tham gia duy trì sức khỏe xương, phòng chống té ngã và điều trị loãng xương, các nghiên cứu mới đây khẳng định vai trò quan trọng của vitamin D trong việc duy trì sức khỏe nói chung. Thiếu hụt vitamin D đang là vấn đề y tế toàn cầu, làm gia tăng nhiều bệnh mạn tính nguy hiểm và ảnh hưởng đến thai kỳ. Bổ sung 1.000 - 1.200UI vitamin D hàng ngày giúp phòng ngừa nhiều bệnh: ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, vẩy nến, viêm đường ruột, viêm khớp, viêm gan, nhiễm trùng, lao phổi, alzheimer…

Loãng xương cũng là một dạng bệnh nội tiết

Loãng xương là một bệnh rối loạn chuyển hóa xương nên thực chất đây là bệnh nội tiết. Hơn thế nữa, bệnh lại mang tính cộng đồng với tỉ lệ mắc bệnh cao, diễn tiến âm lặng nhưng gây hậu quả nặng nề cho người bệnh, gia đình và xã hội. Bệnh cần được điều trị sớm, liên tục và lâu dài để ngăn ngừa hay giảm nguy cơ gãy xương cũng giống như việc điều trị tăng huyết áp để ngăn ngừa đột quỵ hay điều trị bệnh mạch vành để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim, vì gánh nặng kinh tế xã hội và nguy cơ tử vong do gãy xương, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim tương đương nhau.

Ngày 11/8/2018, tại Đà Lạt, hơn 300 bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia về bệnh lý loãng xương đã tham dự Hội nghị khoa học thường niên lần thứ XII do Hội Loãng xương TP.HCM tổ chức. Chủ đề của hội nghị năm nay là “Loãng xương, những vấn đề cơ bản, các xu hướng khoa học mới và các bệnh liên quan”.PGS.TS.BS. Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP.HCM, cho biết đây là một diễn đàn quy tụ các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu về loãng xương trong và ngoài nước để báo cáo các thành tựu và xu hướng mới, các nghiên cứu mới, thảo luận các giải pháp và các vấn đề liên quan đến bệnh lý loãng xương.Các giải pháp hiện nay cho phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị bệnh loãng xương đều mang lại hiệu quả thực sự cho cộng đồng. Tuy nhiên, các báo cáo viên cũng đưa ra một số thực trạng về tình trạng thiếu chẩn đoán, thiếu điều trị… do một số quan điểm sai lầm, thậm chí đi ngược lại các tiến bộ chung, dẫn đến việc kiểm soát bệnh loãng xương đang trở nên khó khăn hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và những giải pháp nhằm cải thiện tình trạng này.Hội nghị cũng nhấn mạnh, loãng xương là bệnh lý phức tạp, có liên quan đến nhiều bệnh lý mạn tính khác và cũng chịu tác động của nhiều bệnh lý khác nhau. Các đề tài còn đề cập tới tình trạng đau cấp và mạn trong loãng xương, loãng xương ở nam giới, mối liên quan của loãng xương với đái tháo đường, bệnh thận mạn, các lưu ý trong việc bổ sung calcium…

AN QUÝ

PGS.TS. LÊ ANH THƯ

Chẩn đoán xác định bệnh lao kháng thuốc

Các nhà khoa học khuyến cáo các đối tượng cần được làm xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF (Mycobacterium tuberculosis/Rifampicin) để chẩn đoán xá...