Ảnh hưởng của chế độ ăn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Người ta ước tính rằng, số calorie dùng cho hô hấp ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT) cao gấp 10 lần so với người bình thường. Do khó thở thường xuyên nên việc ăn uống ở bệnh nhân BPTNMT thường là khó khăn. Bệnh nhân có xu hướng ăn ít hơn thường lệ và điều này dễ dẫn tới suy dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng lâu ngày làm hệ cơ nói chung trong đó có các cơ hô hấp bị teo nhỏ hoặc giảm sức co bóp. Khi đó, các cơ dễ bị “mệt” và hiện tượng mệt cơ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới đợt cấp của bệnh. Việc thiếu calo cộng với các vitamin, các yếu tố vi lượng (đồng, kẽm, sắt, magne, phospho...), các chất điện giải quan trọng như kali, canxi càng làm cho cơ dễ mệt hơn. Tình trạng suy dinh dưỡng cũng là nguyên nhân khiến cho hệ miễn dịch bị suy giảm và bệnh nhân dễ bị nhiễm khuẩn. Khi đã bị nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm khuẩn phổi, đương nhiên tình trạng suy hô hấp sẽ ngày càng nặng lên và khởi phát đợt cấp. Suy dinh dưỡng cũng ảnh hưởng tới các cơ quan quan trọng khác của cơ thể như tim, gan, thận, thần kinh, tụy... làm suy giảm chức năng đa cơ quan dẫn tới tiên lượng bệnh nhân BPTNMT xấu đi nhanh chóng. Bệnh nhân BPTNMT khó thở liên tục, tần số thở cao hơn người bình thường nên lượng nước mất qua đường hô hấp cũng khá lớn. Vì vậy, nếu không uống đủ nước, bệnh nhân sẽ chóng mệt cơ, đờm dãi bị khô đặc không tống ra ngoài được gây tắc nghẽn các tiểu phế quản nhỏ và nhiễm khuẩn sẽ xảy ra.
Trái lại, nếu ăn uống quá nhiều cũng sẽ không tốt cho bệnh nhân BPTNMT như tăng CO2 máu, thừa cân, béo phì làm xấu đi tiên lượng của bệnh. Thừa nước cũng làm tăng cung lượng tim, ảnh hưởng tới phổi bệnh nhân.
Bệnh nhân BPTNMT nên ăn thức ăn nhẹ, lỏng khi khó thở nhiều, nên chia nhỏ làm 6 - 8 bữa/ngày.
8 nguyên tắc ăn uống
Thứ nhất, phải đảm bảo một cân nặng lý tưởng, không thừa và cũng không thiếu cân. Trung bình, người bị BPTNMT cần từ 1.800 - 2.200 calorie/ngày với thành phần thức ăn cung cấp calorie chính là tinh bột (cơm, bánh mỳ) và protein (thịt, cá...).
Thứ hai là phải theo dõi cân nặng thường xuyên bằng cách cân hàng tuần. Nếu tăng hoặc giảm khoảng 2 cân/tuần, phải lập tức tới khám tại bệnh viện. Chú ý tới các yếu tố ảnh hưởng tới cân nặng nhanh như dùng thuốc lợi tiểu, dùng thuốc loại corticoid...
Thứ ba là phải uống đủ nước. Người bị BPTNMT nên uống đủ lượng nước với số lượng khoảng 2,5 - 3 lít/ngày để bù lại lượng nước mất qua hơi thở, mồ hôi và nước tiểu. Một tình trạng mất nước luôn ảnh hưởng không tốt tới đường hô hấp như đã mô tả ở trên.
Thứ tư là giảm lượng muối trong chế độ ăn. Ăn thừa muối sẽ dẫn đến cơ thể giữ nước lại và việc thừa nước làm tăng công co bóp của cơ tim cũng như có thể ứ đọng nước ở phổi làm suy hô hấp nặng lên. Lượng muối đưa vào cơ thể luôn đảm bảo ở mức dưới 3g (khoảng một thìa café nhỏ)/ ngày là vừa đủ.
Thứ năm là tránh ăn quá nhiều tinh bột và các thực phẩm dễ sinh hơi như hành tây, bắp cải, súp lơ và một số loại gia vị như hạt tiêu, tỏi, ớt... Ăn quá nhiều tinh bột làm tăng sinh CO2 máu và thức ăn dễ sinh hơi gây trướng bụng làm bệnh nhân khó thở và dễ trào ngược, sặc phổi.
Thứ sáu là ăn đủ các chất xơ có trong rau xanh, hoa quả tươi để tránh táo bón và cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Táo bón kéo dài ở bệnh nhân BPTNMT làm bệnh nhân mệt mỏi, phải gắng sức nhiều khi đại tiện và có thể là nguyên nhân gây tràn khí màng phổi.
Thứ bảy là phòng chống loãng xương. Loãng xương ở bệnh nhân BPTNMT có nguyên nhân là do dùng corticoid kéo dài. Vì vậy, người bệnh nên ăn những thức ăn giầu canxi như ốc, sò, tôm cua và có thể uống thêm vitamin D theo chỉ định của thầy thuốc.
Thứ tám là phương pháp ăn. Người có BPTNMT nên ăn thức ăn nhẹ, lỏng khi khó thở nhiều, nên chia nhỏ làm 6 - 8 bữa/ngày. Khi ăn nên thở oxy để đỡ suy hô hấp, tránh sặc phổi. Không nên vừa ăn vừa uống nước vì dễ gây hiện tượng nuốt phải khí làm trướng bụng nhiều sau ăn. Ăn miếng nhỏ, nhai chậm và kỹ, không vừa ăn vừa nói chuyện dễ gây sặc, nghẹn. Có thể dùng liệu pháp vỗ rung làm sạch đờm rãi và sử dụng thuốc giãn phế quản cho bệnh nhân dễ chịu trước khi ăn. Bệnh nhân nên cố gắng ngồi dậy khi ăn và sau đó hãy nghỉ ngơi.
PGS. TS. Vũ Đức Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét