Bệnh gây nhiều phiền toái cho người bệnh, cử động, đi lại khó khăn, nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, thậm chí gây tàn phế.
Cấu tạo của khớp
Trên cơ thể người có hơn 200 xương các loại và được nối với nhau bằng các khớp ở vị trí mỗi đầu xương. Nơi nối giữa hai đầu xương gọi là khớp. Cấu tạo của khớp có dây chằng được xem như những băng chun co giãn gắn kết các xương với nhau khi cơ thể chuyển động, giúp khớp vận động linh hoạt; có cơ bắp co duỗi để khớp chuyển động bình thường, có gân nối xương với cơ để chuyển sức co của cơ vào xương; có sụn là lớp mô bao lấy đầu xương để ngăn các xương tiếp xúc trực tiếp với nhau, giúp khớp vận động dễ dàng; có bao khớp (màng hoạt dịch) là lớp màng bao quanh khớp. Lớp lót trong của bao khớp tiết ra dịch khớp để bôi trơn, giúp khớp hoạt động nhạy bén và bổ sung chất bổ dưỡng cho sụn và có vô số mao mạch đến nuôi dưỡng khớp và có nhiều sợi dây thần kinh.
Để vận động thoải mái và dễ dàng, ở đầu mỗi khớp xương luôn được bảo vệ vững chắc bởi một lớp sụn và luôn được cung cấp đủ dịch nhầy giúp bôi trơn khớp và chống sốc. Nhờ cơ chế này mà việc thay đổi tư thế hoặc quá trình vận động của con người mới có thể nhịp nhàng, linh hoạt. Ví dụ, khi vận động, co duỗi ít, đi chậm, dịch khớp sẽ tiết ra từ từ, có tác dụng bôi trơn. Nhưng khi vận động mạnh, đi nhanh dịch khớp, ngoài tác dụng bôi trơn còn có tác dụng chống sốc, làm giảm áp lực lên sụn khớp, giúp duy trì tuổi thọ sụn khớp.
Tầm quan trọng của sụn khớp với khớp
Khớp muốn hoạt động nhịp nhàng nhờ nhiều tổ chức như vừa nêu ở trên và không thể không có sụn khớp là lớp mô trong suốt, vừa cứng vừa bền dai nhưng lại đàn hồi tốt, được cấu tạo từ hai thành phần chính là tế bào sụn và chất căn bản (tế bào sụn không có khả năng sinh sản và tái tạo sau tuổi trưởng thành; chất căn bản có thành phần quan trọng bậc nhất là collagen týp II). Sụn đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ, giúp giảm chấn động và tránh sự cọ xát giữa hai đầu xương khi khớp cử động. Tuy quan trọng như vậy, sụn lại không chứa mạch máu hay dây thần kinh nên không được máu nuôi trực tiếp, chỉ tiếp nhận dinh dưỡng thẩm thấu từ tổ chức xương dưới sụn, màng hoạt dịch, dịch khớp. Do vậy, sụn rất dễ bị thoái hóa âm thầm theo thời gian mà không có dấu hiệu nào ảnh hưởng rát lớn đến khớp và khi sụn khớp bị tổn thương sẽ gây cứng khớp.
80% số bệnh nhân xương khớp có biểu hiện hạn chế cử động, đơ cứng khớp. Đó là dấu hiệu sớm của tàn phế khớp nếu không điều trị kịp thời
Cứng khớp là gì?
Cứng khớp là hiện tượng các khớp vận động, cử động khó khăn, ví dụ như co duỗi khớp gối khó, gấp duỗi các khớp ngón tay, bàn tay hoặc khớp cổ xoay, cúi hạn chế hoặc khó khăn… Cứng khớp là tình trạng thường gặp ở người cao tuổi thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, thường xuất hiện vào buổi sáng (sau khi ngủ dậy) và kéo dài từ 1 - 2h. Cứng khớp xuất hiện phổ biến ở các khớp tay, chân, đốt ngón tay, ngón chân, cứng khớp cổ.
Nguyên nhân
Cứng khớp có nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó phải kể đến do viêm khớp dạng thấp, do thoái hóa khớp (do tuổi tác, chấn thương, viêm khớp nhiễm khuẩn…), do viêm khớp dạng thấp. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh thường gặp do hệ thống miễn dịch của cơ thể chúng ta gồm nhiều loại tế bào khác nhau giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virút (Epstein-Barr virus, cytomegalovirus, parvovirus, và rubella virus), nấm... Ở những bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, tự tấn công, chống lại các tế bào và các cơ quan của cơ thể, dẫn tới các biểu hiện của bệnh. Do đặc điểm này, viêm khớp dạng thấp được xếp vào nhóm bệnh tự miễn. Từ các nguyên nhân đó làm cho khớp bị viêm, thoái hóa, dẫn đến khô khớp và cứng khớp.
Triệu chứng
Giai đoạn đầu, khi “khớp bị khô” hiện tượng cứng khớp sẽ xảy ra (chiếm khoảng từ 10 - 20%), các khớp sẽ đau khi vận động hoặc phát ra tiếng “lạo xạo”, “lục cục” do khớp bị hư tổn, bào mòn dần, do mọc gai, biến dạng khớp. Sang giai đoạn toàn phát, có đến 90% bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu cứng khớp. Đôi khi, chúng chỉ biểu hiện đơn độc, nhưng cũng có thể kèm theo dấu hiệu viêm (sưng, nóng, đau, đỏ), thậm chí làm hạn chế hoặc vận động rất khó khăn có thể kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Cứng khớp kéo dài là một biểu hiện xấu của khớp. Theo Cục Kiểm soát Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), 80% số bệnh nhân xương khớp có biểu hiện hạn chế cử động, đơ cứng khớp, đó là dấu hiệu sớm của tàn phế khớp nếu không điều trị kịp thời. Hiệp hội Lão khoa Mỹ cũng cảnh báo, 64% số người bị cứng khớp có nguy cơ gánh chịu hậu quả nặng hơn, thậm chí bị tàn phế trong tương lai, đặc biệt là người cao tuổi.
Nên vận động nhẹ nhàng hàng ngày, nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy
Nguyên tắc điều trị
Người cao tuổi khi bị bệnh về khớp (viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, chấn thương khớp) cần được khám bệnh để xác định nguyên nhân và có chỉ định điều trị thích hợp, tốt nhất là khám chuyên khoa khớp. Người bệnh không nên chủ quan xem thường hoặc tự chẩn đoán bệnh cho mình, tự mua thuốc điều trị, nhất là dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc và của những người không có chuyên môn về y học.
Lời khuyên của thầy thuốcKhi chuyển mùa, nhất là lạnh, mưa nhiều, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các khớp gối, bàn tay, bàn chân, ngón tay, chân luôn được giữ ấm. Những người cao tuổi đã bị thoái hóa khớp (khớp gối, bàn tay, cổ tay, bàn chân, ngón tay, chân), nên có chế độ vận động nhẹ nhàng hàng ngày, nhất là lúc sáng sớm vừa ngủ dậy. Tốt nhất là xoa bóp các khớp nhẹ nhàng (ưu tiên chăm sóc các khớp đang bị đau hoặc đã bị thoái hóa), nếu có các loại dầu làm nóng (dầu gió, dầu khuynh diệp, dầu tràm…) để thoa vào vùng da của khớp càng tốt. Nếu bị các bệnh về khớp cần tích cực chữa trị theo chỉ định của bác sĩ và cần kiên trì nhẫn nại không nóng vội và không nên điều trị gián đoạn hoặc bỏ quên không dùng thuốc.
TS. BÙI MAI HƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét